24.9.18

[Đọc sách] CỬA TIỆM THỜI GIAN - hạnh phúc thực sự của một đứa trẻ là gì?


“Giá như có thời gian để đọc một mạch từ đầu đến cuối”
- Con đọc truyện này chưa?
- Con đọc hết rồi.
- Truyện nói về cái gì đấy con?
- Truyện à? Uhm… Mẹ đọc đi rồi biết! =))
*********
Tôi mua cuốn sách này cách đây hơn 5 tháng vì tựa sách ấn tượng. Lúc đó là thời điểm chuẩn bị nghỉ hè của bạn lớn và tôi đang tìm kiếm 1 kế hoạch nghỉ hè phù hợp cho bạn ấy. Với mong muốn rằng bạn ấy có nhận thức tốt hơn về giá trị của thời gian và dần biết tự lập kế hoạch nho nhỏ cho bản thân. Có lẽ tìm hiểu một cách chủ động qua những trang sách sẽ tốt hơn là “học” bị động từ mẹ.
“Cửa tiệm thời gian” với nhân vật chính là cô bé Yoon Ah đang học lớp 5. Cô bé là một học sinh chăm chỉ và luôn có thành tích tốt trong học tập. Thời gian biểu hàng ngày của cô bé là đến trường, ra khỏi cổng trường, kiếm tạm cái gì ăn cho đỡ đói, lên xe bus/ hoặc đi bộ đến trung tâm học thêm rồi trở về nhà khi trời đã tối. Còn mẹ của cô bé vẫn đang miệt mài với công việc để kiếm tiền.
Cô bé sẽ không tìm ra được câu trả lời “mình là ai?” nếu cô bé không đến cửa tiệm thời gian và thực hiện những giao kèo. Để rồi, mỗi một lần kết thúc một giao kèo, cô bé nhận ra mình đã đánh mất những thứ tưởng như không quan trọng.
Bà mẹ trong truyện quả là “bà mẹ quốc dân”. Thế nên bất cứ bà mẹ nào cầm trên tay cuốn sách này cũng sẽ giật mình thấy mình ở đó. 
Đôi khi, điều mà các bà mẹ cho là quan trọng nhưng chưa chắc những đứa con của mình cũng cảm thấy như vậy.
Đôi khi, chúng ta miệt mài với bận rộn đời thường mà không để ý đến tâm trạng của đứa trẻ. 
Chúng ta đang làm mọi việc không đúng lúc. Đi đường thì không tập trung lái xe mà mải nghĩ đến tối nay ăn gì nên đi lạc đường. Đưa con đi chơi thì tranh thủ lên mạng xem tin tức nên không chơi lúc nào dành thời gian với con. Cho con đi học trước để khi con vào lớp 1 học hành đỡ vất vả...
Đọc “Cửa tiệm thời gian”, có thể, các bà mẹ sẽ nhìn thấy một phần của mình ở đó mà bình thường chúng ta không nhận ra.

=======================================================
“Tôi vừa ăn xong, mẹ đã nhắc. Tôi vốn rất thích đọc sách. Thậm chí tôi còn nghĩ giá mà cả ngày chỉ cần đọc sách thôi thì tốt biết mấy. Nhưng ngay đến cả việc đọc sách mẹ cũng can thiệt vào nên tôi mất hứng thú đọc. Mỗi khi gập sách lại, nghe mẹ hỏi cảm nhận được gì mà tôi toát mồ hôi hột. Giờ đối với tôi tất cả sách trên đời cũng giống hệ sách giáo khoa mà thôi.” – Tr119 (Cửa tiệm thời gian – Lee Na Young)

20.9.18

[Đọc sách] NHÀ GIẢ KIM - Mỗi bước đi là 1 trải nghiệm vô cùng quý giá

Tôi đã đọc Nhà Giả Kim trong tâm lý tò mò rằng đây là cuốn sách hay tới mức nào mà bán chạy chỉ sau Kinh Thánh? Tâm lý ấy đã thôi thúc tôi đọc hết trang này đến trang khác nhằm khám phá, tìm ra nguyên nhân.

Cuốn sách kể về 1 cậu chăn cừu quyết tâm rời xa quê hương, rời xa những thứ quen thuộc để hiện thực hóa giấc mơ của mình. Trên đường đi, cậu phải trải qua rất nhiều biến cố và tự mình hóa giải nó. Không chỉ có những khó khăn chồng chất, mà còn có cả những cám dỗ khiến cậu muốn dừng bước. Nhưng rồi, cậu chăn cừu cũng đã vượt qua tất cả để đặt chân đến nơi mà cậu đã từng quyết tâm phải đến - Kim Tự Tháp.

Đó là câu chuyện của cậu chăn cừu Santiago.

Trong quá trình đồng hành với Santiago, tôi đã có biết bao nhiêu câu hỏi đặt ra cho chính mình. Tại sao lại là cậu chăn cừu (có phải cậu bé chăn cừu hay nói dối không?)? Thuật Giả kim là gì? Tại sao để đến với kho báu của mình, cậu chăn cừu phải băng qua sa mạc mà không phải là thử thách gì khác? ...vv...vv... Cảm giác có chút khó chịu, bứt rứt... Chúng thôi thúc tôi phải tìm hiểu thêm những thông tin liên quan đến truyện để có thể hiểu rõ ràng hơn về điều tác giả viết. Có lẽ vì thế mà "Nhà Giả Kim" không phải là cuốn sách dễ đọc, ít nhất là đối với tôi.

Trong truyện, ngoài nhân vật Santiago, anh chàng đọc sách, còn rất nhiều nhân vật như anh chàng bán kem, ông già bán pha lê, cô gái sa mạc Fatima, toán cướp, vị vua Melchisedek, nhà luyện kim đan... Mỗi người có một vai trò riêng của mình. Giống như tác giả nói:

"Bất kể giàu hay nghèo, sang hay hèn, ai cũng đều có một vai trò chính trong lịch sử thế giới.". Nhưng đôi khi " phần nhiều người ta không biết đó thôi".

Tôi chợt nhận ra mình không còn quan tâm đến kết thúc của câu chuyện ở những trang cuối. Cậu chăn cừu có tìm được kho báu hay không không còn quan trọng. Bởi lẽ, cả một hành trình dài mà cậu bé chăn cừu đã trải qua và cái cách mà cậu vượt qua nó đã là một kho báu quý giá hơn tất thảy mọi kho báu trên cuộc đời này rồi. Kho báu ấy là gì? Còn tùy thuộc vào cảm nhận của mỗi người đọc.

Câu chuyện khép lại, tôi cũng quên mất lý do ban đầu đưa tôi đến với cuốn sách này. Không còn là để thoải mãn trí tò mò, "Nhà Giả Kim" đã khiến tôi nhận ra rằng, những hiểu biết và trải nghiệm của mình còn quá ít ỏi. Và hãy để những đứa trẻ được sống với ước mơ của chúng.

"Chỉ có một điều khiến không thể nào đạt được ước mơ: ĐÓ LÀ SỢ SẼ THẤT BẠI".

P/S: Câu hỏi đặt ra: Ước mơ của chúng là gì? Những người làm mẹ cần làm gì để phát hiện và nuôi dưỡng ước mơ của con trẻ?

20.09.2018

20.09.2018

18.9.18

[Đọc sách] SỨC MẠNH CỦA NGƯỜI MẸ NHẬT

SỨC MẠNH CỦA NGƯỜI MẸ NHẬT
(Những thói quen nhỏ tạo nên kỳ tích)
Lang thang ở nhà sách Nhã Nam nên thấy cuốn sách này, nghĩ là phù hợp với mình nên tôi đã mua nó mà không hề có ý định từ trước.
Lý do ra quyết định nhanh như vậy là do đợt này tôi cũng đang phải sắp xếp thời gian để tự bồi đắp kiến thức cho bản thân, vừa đồng hành cùng con trong hành trình kết thúc năm học cuối cấp 1 - lựa chọn hướng tiếp theo, đồng thời cùng con rèn luyện thể dục thể thao - nâng cao sức khoẻ.
Khi mang thai bạn thứ nhất, tôi cũng đọc một số sách, tìm hiểu trên mạng về các phương pháp nuôi dạy trẻ. Cuối cùng, tôi đã học theo cách Nuôi con kiểu Nhật (có cải biên để phù hợp với bé) vì thấy điều đó sẽ giúp trẻ tự lập hơn, trẻ ăn uống lành mạnh hơn cho dù giai đoạn đầu khá lích kích. Kết quả thu được cũng không tệ.
Tuy nhiên, khi bắt đầu có bé thứ 2, tôi đã buông lỏng vấn đề ăn uống của bạn lớn. Ban đầu tôi nghĩ là bạn ấy đã lớn rồi, nên cho bạn ấy tự lo bữa sáng để bạn ấy tự lập hơn. Vì ngày bé, tôi cũng được cho tiền và tự quyết định ăn gì, ăn bao nhiêu (thường là tôi hay tiết kiệm được 1 khoản kha khá để dành mua truyện tranh). Tuy nhiên, ngày xưa, lựa chọn cho bữa sáng thường chỉ có mấy món như: xôi, bánh mỳ trứng hoặc pate, bún măng mọc, bánh cuốn. Ngoài ra, chẳng còn gì khác. Thế nên, việc ăn gì vào bữa sáng ở những năm 90s của thế kỷ trước không có gì đáng lo ngại. Bây giờ, các bạn nhỏ có quá nhiều sự lựa chọn. Mà tiếc là, trong vô số sự lựa chọn ấy thì có rất nhiều đồ ăn nhanh dễ gây béo phì. 1 năm trôi qua, cho đến khi tôi nhận ra điều đó thì có kha khá thay đổi và giờ tôi đang phải từng bước khắc phục nó.
Chính vì vậy, thời gian của 1 bà mẹ có 2 con nhỏ (1 đứa cuối cấp và 1 đứa tuổi lên 3 ẩm ương) đã eo hẹp lại càng trở nên eo hẹp. Làm sao vừa đảm bảo thời gian học hành của bạn lớn, vừa có thời gian luyện tập thể dục thể theo - nâng cao sức khoẻ, vừa có những hoạt động tham quan - dã ngoại để 2 đứa được hoà mình vào thiên nhiên - có 1 tuổi thơ đúng nghĩa tuổi thơ.
Sẽ đơn giản hơn nếu bạn lớn là đứa trẻ ưa thích hoạt động. Ngược lại, từ bé, bạn ấy đã thích những hoạt động tĩnh như xếp hình, cờ vua, cắt dán... Càng lớn bạn ấy lại càng ít vận động. Vì vậy, tôi đã phải rất cố gắng để đồng hành cùng bạn ấy trong các hoạt động thể chất. (Nhờ vậy mà mẹ cũng thon thả đi phần nào dù ăn khá nhiều kem :)).
Đôi lúc, vừa đi làm, vừa lo việc nhà, vừa cùng con học hành - luyện tập, lại chăm bạn nhỏ cá tính nên tôi cũng thấy muốn buông xuôi một số thứ. Nhưng nghĩ đến mục tiêu mà tôi cùng con đề ra, nghĩ đến việc mình mà cũng dễ dàng buông bỏ thì làm sao 1 bạn nhỏ 10 tuổi có thể quyết tâm duy trì 1 việc gì đó nên tôi lại cố gắng. Đó là lý do tôi nhanh chóng quyết định đọc cuốn "Sức mạnh của người mẹ Nhật".
Cuốn sách là cái nhìn khách quan của 1 người mẹ Hàn đang sinh sống và làm việc tại Nhật. Những câu chuyện mà tác giả kể về cách dạy dỗ, chăm sóc trẻ nhỏ ở Nhật không chỉ là những ưu điểm như trước đây tôi từng đọc, mà còn có những khó khăn, những áp lực đối với các bà mẹ trong việc nuôi dạy con cái. Nhờ đó, những người đọc như tôi được tiếp thêm sức mạnh để đồng hành cùng con trong quá trình hình thành những thói quen tốt.
Dù sao, nói gì thì nói, làm gì thì làm, muốn thay đổi ai đó, trước hết, cần thay đổi chính mình.

(Đang viết thì tiểu cô nương dậy và bao nhiêu ý tứ trong đầu đã tan biến mất. Vì vậy mà mở đầu khá dài dòng còn cái kết lại cụt lủn).

15.9.18

BUỔI SỚM CUỐI TUẦN ĐI PHỐ SÁCH

Nếu muốn trốn khỏi cái thời tiết đỏng đảnh lúc nắng lúc mưa, hay muốn bỏ sau lưng tiếng còi xe inh ỏi, xin mời đến với Phố Sách trước 9h sáng ngày thứ 7.

 Lần đầu tiên đến với Phố Sách trên đường 19/12 - một con phố ngắn nằm cạnh Tòa án Nhân dân Hà Nội, một đầu thông ra phố Hai Bà Trưng, đầu kia thông ra phố Lý Thường Kiệt, thằng nhóc bảo: "Mẹ ơi! Đẹp thế! Yên tĩnh thế!" Thế thật! Lý do là vì 3 mẹ con lên Phố sớm, lại là ngày cuối tuần, chắc giờ này mọi người vẫn còn chưa thức dậy, hoặc nếu dậy thì cũng đang đi ăn sáng - uống cafe. Trời thì nắng chang chang mà vào đây thấy mát mát là.


Lang thang dọc phố, cửa hàng nào cũng sà vào xem nhưng chưa mua được mấy vì đợt vừa rồi mới dinh về khá nhiều sách nên chưa đọc hết. Phần khác là vì cảm thấy khó khó chọn sao ấy. Bù lại, 3 mẹ con đã được trải nghiệm về cách làm mặt nạ giấy nhân "Hội sách trăng tròn" và được tự tay sơn màu cho chiếc mặt nạ. 2 họa sĩ nhí thỏa sức sáng tạo, không chỉ chiếc mặt nạ giấy được tô vẽ mà mặt mũi, chân tay, đầu tóc, quần áo cũng trở nên rực rỡ.

Thành quả của một buổi sáng cuối tuần là được hít không khí trong lành buổi sớm, được du lịch từ cuối thành phố đến đầu thành phố, đi qua 4 cái hồ (hồ Thành Công, hồ Hoàng Cầu, hồ Bảy Mẫu, Hồ Thiền Quang), đi qua bao nhiêu con phố lâu lắm rồi mới qua, được đi bộ, được ăn kem, có vài quyển sách và 2 cái mặt giấy mang về. 

Dậy sớm quả không uổng phí!

15.09.2018

14.9.18

Cùng con cố gắng luyện tập - 1 tháng

Mùa thu đã bắt đầu trở lên rõ ràng hơn vào những ngày đầu tháng 9. Tuần này, Hà Nội đón đợt lạnh đầu tiên. Bất chợt, mẹ nhớ đến tác phẩm "Gió lạnh đầu mùa" của nhà văn Thạch Lam mà mẹ đã học hồi cấp 2.
Con năm nay lên lớp 5, cũng bước vào lứa tuổi như mẹ ngày đó. Mẹ tự hỏi: "Con có cảm nhận được sự thay đổi của đất trời?"
Rồi mẹ nghĩ đến những việc mà mẹ con mình làm trong thời gian gần đây và sẽ còn tiếp tục làm trong thời gian sắp tới. Mặc dù sắp tới mùa đông không phải là thời gian thuận lợi nhất, nhưng mẹ con mình cùng nhau cố gắng, con nhé!



Gần 1 tháng trôi qua, chúng ta đã không ngừng động viên nhau để từng bước đạt được mục tiêu đề ra. Mẹ nói với con: "Không phải là "phải làm", mà trước hết, con hãy nghĩ xem "tại sao con làm?". Mọi việc đều có lý do của nó con nhỉ! Và hàng ngày, khoảng 6h15, nhà mình cùng xuống sân tập thể dục. Em Kem cũng tham gia nhiệt tình.
Ngày mai, mẹ con mình sẽ dậy sớm và đi lên Hồ Gươm, sau đó tham gia Hội sách Trung thu con nhé!


14/09/2018

10.9.18

"Một phút chữa bệnh lười" của thầy Văn Như Cương

Hôm nay, nhân ngày khai giảng năm học mới tôi xin trao đổi với các em học sinh về một vấn đề nếu các em khắc phục được thì kết quả của chúng ta còn tốt hơn nữa.

Các em học sinh thân mến, có lẽ các em sẽ ngạc nhiên khi hôm nay thầy sẽ nói với các em về căn bệnh mà ít nhiều chúng ta sẽ mắc phải. Căn bệnh này tuy không làm chết người ngay lập tức nhưng nguy hiểm lắm, nếu nhiều người không quyết tâm chạy chữa thì họ có thể trở thành những người vô dụng. Nguy hiểm hơn nữa nếu xã hội có nhiều người mắc bệnh này thì sẽ trở nên nghèo nàn lạc hậu, không bao giờ tiến bộ được. Căn bệnh này làm cho con bệnh dần dần trở thành người có nhân cách thấp kém, sống theo lối bầy đàn và không giúp ích gì cho xã hội.

Đó là thầy đang muốn nói về căn bệnh lười, một căn bệnh có nguy cơ lan rộng một cách nhanh chóng. Bệnh này có những biểu hiện và triệu chứng như sau: lười học, lười nghe giảng, lười làm bài tập, lười suy nghĩ, lười phản biện, lười đặt câu hỏi.

Tại sao như vậy? Lười đọc sách hoặc chỉ đọc những cuốn sách nhảm nhí, lười đọc kiến thức tham khảo; lười lao động, lười làm việc chân tay kể cả những điều phục vụ cho chính bản thân mình; lười tập thể dục thể thao, rèn luyện thân thể. Kể ra thì còn nhiều triệu chứng lười nữa. Chắc rằng mỗi em đều cảm thấy mình đã mắc phải những triệu chứng đó.

Mỗi một người đều có một thời gian sống rất hữu hạn, nếu họ mắc phải bệnh lười thì khoảng thời gian sống đó càng trở nên rất ngắn ngủi. Con bệnh sống một cách uể oải, họ không suy nghĩ gì, không làm được một việc gì mặc cho thời gian vẫn trôi đi từ giờ này sang giờ khác, ngày này qua ngày khác, thậm chí năm này qua năm khác.

TÁC HẠI CỦA BỆNH LƯỜI

Chúng ta hãy hình dung thế này: Một ngày mới bắt đầu nhưng sáu giờ sáng con bệnh lười của chúng ta vẫn trùm chăn nằm ngủ. Bố mẹ vào phòng giục giã con dậy để chuẩn bị đi học thì hắn lầu bầu “Cho con ngủ thêm một chút hôm nay, hôm qua con phải làm bài đến mười hai giờ đêm”. Thật ra thì tối hôm qua hắn có học hành gì đâu, chỉ ngồi chat chit với bạn bè rồi chơi trò trên mạng.

Thế là hắn ngủ quên cho đến bảy giờ kém mười lăm phút mới choàng tỉnh dậy, rồi vệ sinh qua loa, mặc quần áo vội vàng, không kịp ăn sáng mà mẹ chuẩn bị cho, lại vội lên xe đạp điện để phóng đến trường. Lúc sực nhớ ra mình không đội mũ bảo hiểm, hắn liền tặc lưỡi “Đành phải trốn công an thôi bây giờ mà quay về nhà lấy mũ thì trễ quá”.

Liền phải chọn đường vắng công an, hắn đến trường chậm mười phút và không được vào lớp mà phải chờ tiết sau. Bấy giờ hắn xuống căng tin tranh thủ ăn sáng và suy nghĩ cách nói dối cô giáo chủ nhiệm nếu cô hỏi tại sao đi học muộn, và làm cách nào để cô không nhắn tin cho mẹ về chuyện này.

Vào tiết thứ hai, cô giáo tuyên bố các em chuẩn bị giấy tờ làm bài kiểm tra mười lăm phút. Vừa chép đề hắn vừa thở dài ngao ngán “Thế là rồi đời, không biết hôm nay là ngày gì mà mình đen đủi thế”. Hắn viết bài làm như sau: Thưa cô, tối hôm qua em phải ra sân bay đón người nhà từ nước ngoài trở về, máy bay bị chậm và phải khuya em mới về đến nhà, em không kịp học bài cô tha cho em lần này.

Tan học, hắn về nhà với dáng vẻ bơ phờ mệt mỏi, mẹ hỏi thì hắn nói “Con mệt quá, đầu đau như búa bổ”. Mặc dù mẹ bảo hắn đi ăn cơm rồi đi nghỉ, thì hắn bảo không ăn uống gì cả và lên nhà. Một lúc sau cô giúp việc mua về cho hắn một bát phở, hắn ăn ngon lắm nhưng cố ý để thừa một ít, ra vẻ buồn nôn rồi trùm chăn nằm ngủ.

Chiều ngủ dậy hắn lại lên xe đi học thêm, lớp học đông lắm và hắn tìm đến cuối phòng - chỗ mà nhóm lười của hắn thường ngồi, thầy giáo có giảng thao thao bất tuyệt còn chúng nó tha hồ nói chuyện trên trời dưới đất. Chiều về ăn cơm xong, cả nhà ngồi xem truyền hình, đang đến đoạn gay cấn thì bố mẹ bắt lên phòng học bài, hắn đóng cửa phòng lại rồi bắt đầu chat chit với bạn bè.

Thế đấy, một ngày bình thường của hắn trôi qua như những ngày trước đây, nếu không có cách gì chữa thì bệnh lười vẫn tiếp diễn, và những ngày sau đó vẫn trôi qua như thế”.

MỘT PHÚT CHỮA BỆNH LƯỜI

Trước hết mọi người cần biết rằng mình có bệnh lười hay không và mức độ ở giai đoạn nào, mới chớm bệnh hay đã đến mức độ mà người ta gọi là lười chảy thây. Khi biết mình có bệnh thì ai cũng mong muốn chữa bệnh nhưng căn bệnh này không có thuốc đặc trị mà chủ yếu là sự quyết tâm của con bệnh. Đã là con người thì ai cũng có chí hướng. Đó là lòng mong muốn và quyết tâm đạt tới một mục tiêu tốt đẹp trong tương lai. Từ “Chí” trong khẩu hiệu của trường ta “Có chí thì nên” có nghĩa là như vậy..."

Thầy nói về phương pháp giúp con bệnh mau chóng khỏi bệnh, thầy xin giới thiệu một phương pháp hết sức quan trọng và có tác dụng rất lớn với hầu như toàn thế giới, đó là phương pháp “Kaizen”. Phương pháp này được ghép từ hai từ “kai” tức là “đổi mới”, “zen” là “một cách thông minh”. Phương pháp này được phát minh bởi nhà hiền triết Nhật Bản Masaaki Imai.

Theo phương pháp này, mỗi ngày em chỉ cần bỏ ra đúng một phút. Đúng một khung thời gian quy định để làm công việc mà các em lười nhất, chán nhất. Một phút sau em lại kết thúc không làm công việc đó nữa. Quan trọng nhất là ngày nào cũng phải làm và làm đúng giờ quy định.

Công việc trong một phút đó có thể là chống tay hít đất mười cái, hoặc học một từ tiếng Anh cùng với một số câu có chứa từ tiếng Anh đó hoặc là làm một vài bài toán đơn giản trong sách bài tập. Em phải làm việc đó đúng trong một phút rồi nghỉ không làm nữa nhưng phải quyết tâm không để bị ảnh hưởng bởi bất cứ sự trì hoãn nào, tức là ngày nào cũng phải việc ấy đúng một phút.

Phương pháp này được phổ biến là phương pháp một phút chữa bệnh lười. Sau khi làm việc đó một thời gian, các em sẽ cảm thấy bị lôi cuốn và đó là khi em đạt được bước đầu thành công trong quá trình vượt qua sự lười biếng, rồi một ngày nào đó em cảm thấy một phút không đủ làm công việc trở nên hứng thú đối với em, khi đó em có thể tăng số thời gian làm việc lên từ một phút đến năm phút, mười phút hoặc nếu cần thì hai mươi phút.

Như vậy là em đã vượt qua được sự lười biếng và từ đây em có thể bổ sung vào công việc ban đầu bằng một số công việc bổ ích khác. Em có thể sử dụng phương pháp “Kaizen” này và chắc chắn sẽ bất ngờ với những kết quả nhận được. Chính bản thân thầy đã thử nghiệm phương pháp này và thấy có tác dụng hết sức rõ rệt. Hãy nhớ rằng công việc gì có thể làm hôm nay thì đừng có để đến ngày mai mới làm”.

Nguồn: nhặt nhạnh trên dantri và một số facebook
P/S: tôi muốn tìm bài này trên trang fb cá nhân của thày nhưng vẫn chưa tìm thấy. Nếu ai đi ngang qua, có đọc và biết thì xin hãy chia sẻ với tôi nhé! Thanks.