4.12.17

Điều mà mẹ học được từ đứa trẻ lên 3

Mẹ bận! Em muốn gì cũng phải mẹ làm. Mẹ nhờ anh, em ko đồng ý, em đẩy, anh đạp, thế là mẹ đánh cho mỗi anh em 1 trận, khóc om xòm.
Mẹ cho 2 anh em xuống sân, em muốn ăn bim bim nên mẹ mua 2 gói, bảo em mang cho anh 1 gói. Em cắp nách 2 gói bim bim ra chỗ anh, dáng đi lũn cũn.
Dáng lũn cũn

Anh không thèm ăn, em lại mang ra chỗ mẹ:
- Mẹ cầm hộ anh đi!
- Anh không ăn à?
- anh không ăn mẹ ạ.
1 phút sau, anh ra chỗ mẹ. Con em lại lấy từ tay mẹ gói bim bim đưa cho anh.
- Anh ăn đi! Anh ăn bim bim đi!
Anh vẫn ko thèm nói gì.
- Mẹ ăn bim bim cùng con đi! - em nói.
...
- Mẹ ơi! Anh Nhật An đâu?
...
- Mẹ ơi! Anh đi chỗ khác rồi à?
...
- Mẹ ơi anh vẫn khóc!
...
- Mẹ ăn cùng con đi!
...
ĐIỀU MÀ MẸ HỌC ĐƯỢC TỪ ĐỨA TRẺ LÊN 3:
- Quan tâm đến người khác để chuộc lại lỗi lầm mà mình đã gây ra.
- Mọi việc qua rồi thì cho nó qua đi, hãy cứ tận hưởng những gì của hiện tại.

23.11.17

Một buổi sáng đầu đông

Trời trở lạnh! Mùa đông đến rồi!
Buổi sáng, thật khó để bước ra khỏi chăn! Bố đi làm sớm nhất, từ khi 3 mẹ con còn chưa ngủ dậy. Mẹ thường ra khỏi chăn vào lúc 6h30 phút, vội đánh răng rửa mặt rồi gọi anh Tý Dẹt dậy.
Vì trời lạnh nên mẹ hay nấu đồ ăn cho Tý Dẹt ở nhà, hôm thì mỳ Chũ, hôm thì mỳ Tôm... Hôm nào mẹ không nấu kịp, cũng là để con đổi món thì Tý Dẹt ra ăn trứng vịt lộn, cháo, bánh giò,...
7h, em Kem sẽ được đánh thức dậy bằng 1 bài hát trên ChuchuTV. Kem nhanh nhẹn nhất, chỉ khoảng 10-15' là xong xuôi tất cả.
Khoảng 7h15', 3 mẹ con sẽ ra khỏi nhà, nhưng mấy hôm nay trời lạnh thì phải 7h30 mới khởi hành được. Áo khoác, mũ, khẩu trang, kính... tất cả mọi thứ để đảm bảo cái lạnh buổi sáng không làm ảnh hưởng đến sức khỏe, xong xuôi thì go go.
Sáng nay, 3 mẹ con bon bon đến trường. Mẹ và Kem đưa anh Tý Dẹt đến trường trước. Anh Tý Dẹt tạm biệt mẹ. Kem tíu tít: "BB anh Tý Dẹt nha! BB anh Tý Dẹt nha!"
Mẹ quay xe đi đc 1 đoạn thì thấy Kem lí nhí gì đó mà mẹ không nghe rõ. Mẹ hỏi lại, Kem nói: "Anh Tý Dẹt không chào con :("
Khổ thân! Mẹ bảo mẹ sẽ nói lại với anh Tý Dẹt.
Thấy không? Em mới có 31 tháng nhưng cũng nhạy cảm lắm đấy nhé! Yêu ơi là yêu! Trừ những lúc bày trò làm cả nhà phát điên.


Đầu đông, Hà Nội ngày 21.11.2017

7.11.17

Kem trước giờ đi ngủ

Kem đã khỏi ốm và quay lại trường học sau 2 tuần nghỉ ở nhà. Còn lý do viết bài hôm nay là mẹ muốn kể lại câu chuyện tối hôm qua.
Vào giờ đi ngủ, Kem khá là nghịch ngợm, chạy qua chạy lại nhưng cuối cùng cũng chịu nằm xuống. Bạn đi ngủ của Kem lúc nào cũng là bạn Chó Bông và chú Voi. Kem đặt mỗi bạn một bên, cho các bạn ấy đắp chăn chung. Sau đó, Kem lại đổi chỗ cho 2 bạn. Câu chuyện do Kem độc thoại, mẹ và anh Tý Dẹt nằm yên lắng nghe.
- Cho chú Voi nằm cạnh mẹ nhé, bạn Chó sang đây (sang nằm giữa anh Tý Dẹt và Kem).
- Nhắm mắt vào, ngủ đi không ông cụ bắt đấy. (ngôn ngữ này là của bà Phương. Thế mới biết độ tuổi 1-2, người trông nom bên cạnh trẻ có sức ảnh hưởng lớn như thế nào. Bây giờ, gặp lại bà Phương, Kem có thể quên tên, nhưng giọng điệu của Kem và những câu chuyện bà Phương kể vẫn còn lại dấu ấn).
Được 1 lúc, Kem lại kêu đau bụng, bảo mẹ xoa bụng cho con. Mẹ xoa xoa, bạn ấy lại bảo:
- Mẹ gãi đi! Mẹ gãi cho con đi!
Mẹ gãi, nhưng móng tay của mẹ mới cắt nên hơi sắc. Bạn ấy kêu lên:
- Đau con! Mẹ đừng gãi nữa! Mẹ xoa đi!
Mẹ lại xoa xoa... Heehee chỉ đạo thôi rồi. Bạn ấy lại tiếp trong khi mẹ vẫn xoa:
- Mẹ đừng gãi nhé, chảy máu con đấy!
Hahaha... đúng là bà cụ non, cái gì cũng biết.
Đôi lúc mẹ ngạc nhiên về Kem, sao mà cái gì bạn ấy cũng biết vậy, bạn ấy mới 2 tuổi rưỡi thôi mà.

16.10.17

Canxi ion và chứng hạ canxi máu

Hạ canxi máu - Nguyên nhân và cách phòng tránh

Canxi là một loại khoáng chất thiết yếu của cơ thể. 98% canxi nằm ở xương và răng; 2% còn lại là canxi ion nằm trong máu để thực hiện các chức năng thần kinh cơ, đông máu. Do vậy, nếu thiếu canxi, rất nhiều chứng bệnh nguy hiểm xảy ra. Trong đó, hạ ion canxi trong máu hay còn gọi là "hạ canxi máu" là căn bệnh khá phổ biến với lứa tuổi học đường.
Vai trò canxi trong cơ thể:
- Canxi là khoáng chất thiết yếu của cơ thể, nó đóng vai trò rất quan trọng trong nhiều hoạt động của cơ thể như tham gia vào quá trình co cơ, dẫn truyền thần kinh, giải phóng các hormon và đông máu.Người thiếu canxi thì bị loãng xương, còng lưng, gai cột sống, gai gót chân và nhiều chứng bệnh nguy hiểm khác.
- Lượng dự trữ canxi trong cơ thể được duy trì ổn định phụ thuộc vào 3 yếu tố chính, đó là do thức ăn, nước uống đưa vào, hấp thu canxi từ ruột và đào thải qua thận.
Các nguyên nhân làm hạ canxi máu:
Hạ canxi máu là khi nồng độ canxi toàn phần trong máu dưới 8,8mg/dL (2,20mmol/l) trong điều kiện protein huyết thanh bình thường, hoặc canxi iôn hoá dưới 4,7mg/dL (1,17mmol/L). Có nhiều nguyên nhân gây ra hạ canxi máu nên, trong đó chủ yếu là:
- Thiếu vitamin D dẫn đến cơ thể giảm khả năng hấp canxi.
- Thức ăn thiếu canxi.
- Hấp thu kém trong những bệnh như cắt đoạn ruột, hội chứng kém hấp thu.
- Giảm canxi do nguyên nhân tâm lý như giảm albumin huyết thanh, tăng phosphate máu hoặc do dùng thuốc kích thích beta 2 kéo dài.
- Bệnh lý thận: bệnh lý ống thận, suy thận… dùng thuốc lợi tiểu kiểu furosemid quá nhiều gây tăng đào thải canxi.
- Các rối loạn nội tiết: suy tuyến cận giáp trạng, tăng tiết calcitonin trong ung thư tuyến giáp... (Tuyến cận giáp đóng vai trò quan trọng trong chuyển hoá can-xi, phốt-pho, nếu hạ can-xi tức là tuyến cận giáp có vấn đề).

Suy thận cấp cũng là một nguyên nhân gây hạ canxi máu (Ảnh: Internet)
Dấu hiệu nhận biết:
- Xuất hiện những cơn co giật toàn thân.
- Tê bì đầu chi, lưỡi, quanh miệng, kèm cảm giác lo âu, co thắt các cơ ở đầu chi, các cơ co bóp không tự chủ làm cho cơ thể đau đớn khi cử động.
- Các cơ thanh quản bị duỗi cứng làm cho thanh quản hẹp lại gây hiện tượng khó thở, suy hô hấp.
- Đau bụng kiểu chuột rút, đái dắt, rối loạn nhịp tim.
- Hạ canxi kéo dài sẽ gây đục thuỷ tinh thể ở người lớn, và gây chậm tăng trưởng, còi xương ở trẻ nhỏ.

Triệu chứng hạ canxi máu (Ảnh: Internet)
Sơ cứu người bị hạ canxi máu:
- Khi gặp trường hợp bị hạ canxi, phải thật bình tĩnh, đỡ bệnh nhân rồi đưa vào chỗ mát để nghỉ ngơi. Vỗ nhẹ 2 bên má bệnh nhân để giữ cho bệnh nhân tỉnh táo. Nếu ngất lâu hãy thử ấn huyệt nhân trung (ở giữa mũi và miệng).
- Dùng 1 viên Canxi Sandoz viên dạng sủi thì pha 1 viên vào 1 cốc nước, đợi thuốc tan hết thì cho bệnh nhân uống. Nếu 2 hàm răng bệnh nhân cứng lại không mở ra được thì bắt buộc phải dùng thìa bón vào miệng bệnh nhân, hoặc đánh thức cho bệnh nhân tỉnh để uống thuốc.

Thuốc Canxi Sandoz (Ảnh: Internet)
- Trường hợp nặng nên nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Phòng ngừa:
- Thực hiện chế độ ăn đủ canxi bằng cách ăn nhiều tôm, cua, cá, ốc, vừng, đậu nành, mộc nhĩ, rau ngót và các loại sữa tươi nguyên kem, các loại đậu (đỏ, đen, xanh...)…Cố gắng ăn ít nhất 1 tuần 1 lần các món tôm nguyên vỏ, ốc, hến và các loại sò để bổ sung lượng canxi.

Hải sản là một trong những nguồn thực phẩm giàu canxi (Ảnh: Internet)
- Cắt giảm cafe, rượu và muối vì những chất này thường kìm hãm khả năng hấp thu canxi.
- Mỗi ngày nên dành ít nhất 10 đến 20 phút để tắm nắng vào sáng sớm (vào 9h - 9h30 sáng mỗi ngày) để giúp cơ thể hấp thụ được nhiều Vitamin D qua da, đồng thời tăng cường việc ăn các thực phẩm có dầu thực vật để hấp thu Vitamin D tốt hơn.
- Tuyệt đối không nên nhịn đói để phophate trong cơ thể không bị giảm, gây hạ canxi.
- Chỉ nên dùng viên canxi bổ sung khi có chỉ định của bác sĩ.
- Chăm chỉ luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày để tăng cường sức khỏe.

14.9.17

Vài điều bạn nên làm vào mùa thu để sống khỏe mạnh hơn vào mùa đông

Đọc báo thấy bài này hay, post vào đây cho cả nhà cùng xem, nhưng chưa biết có cách nào highlight bài viết này cả.

Để sống khỏe mạnh hơn, ngủ ngon hơn và có sức đề kháng tốt hơn vào mùa đông, hãy làm ngay những điều này từ mùa thu, bạn sẽ thấy chúng thực sự hữu ích.

Lập kế hoạch chích ngừa cúm

Neha Vyas, bác sĩ gia đình của Cleveland Clinic nói: "Điều lý tưởng nhất là bạn nên thực hiện tiêm chủng ngừa cúm vào khoảng tháng 10. Nhưng nó vẫn hữu ích nếu ngay từ bây giờ bạn thực hiện chích ngừa cúm. Hãy tiến hành tìm kiếm các tài liệu về các loại vắc-xin khác nhau cần tiêm chủng vào mùa đông ở trẻ em lẫn người lớn để có sức đề kháng tốt nhất vào mùa lạnh".
7 điều bạn nên làm vào mùa thu để sống khỏe mạnh hơn vào mùa đông - Ảnh 1.
Điều lý tưởng nhất là bạn nên thực hiện tiêm chủng ngừa cúm vào khoảng tháng 10.
Nhiều người trong số chúng ta cho rằng tiêm phòng cúm là không cần thiết vì nó không phải là bệnh nguy hiểm. Nhưng theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hằng năm có khoảng 0,5-1,5 tỉ người có thể mắc bệnh cúm, trong đó 3-5 triệu trường hợp cúm nặng và khoảng 250.000-500.000 trường hợp tử vong trên khắp thế giới. Vì vậy, việc tiêm phòng cúm là hết sức cần thiết, nhất cả khi vào mùa đông, hệ miễn dịch suy giảm, khả năng bị cúm tăng lên.
Với lứa tuổi nhi đồng, thanh thiếu niên nên chú ý tiêm phòng Tdap (uốn ván, bạch hầu, và ho gà), HPV, và viêm màng não; sinh viên vào trường cao đẳng có thể cần bảo vệ màng não B; và người lớn khỏe mạnh cần tiêm Tdap. Một số đối tượng cũng cần tiêm vắc-xin viêm gan siêu vi B hoặc bệnh zona.
Tham gia các hoạt động tăng cường sức khỏe mới
Ngay cả những người tập thể hình chuyên nghiệp cũng có thể mất động lực khi thời tiết bắt đầu trở nên lạnh hơn. Dẫu vậy, dù mưa hay nắng, bạn vẫn nên tập thể dục ít nhất 150 phút tập luyện cường độ trung bình (hoặc 75 phút tập thể dục cường độ cao) mỗi tuần. Tiến sĩ Vyas cho biết các động tác mạnh mẽ cho tất cả các nhóm cơ lớn. Hãy tiếp tục tham gia lớp tập luyện mới này, hoặc đăng ký khóa học online – bất cứ hình thức nào giúp bạn sống khỏe mạnh hơn vào mùa thu, đông này.

Bổ sung thực phẩm chứa axit béo omega-3

Axit béo omega-3 có tác dụng chống viêm, bảo vệ da, và thậm chí giảm một số ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, giúp bạn giữ được tinh thần thoải mái, năng động, vui vẻ, sống khỏe mạnh hơn...
Mùa đông là mùa dễ khiến con người rơi vào tình trạng u uất, trầm cảm, cáu kỉnh, căng thẳng. Do vậy, bổ sung những nhóm thực phẩm giàu omega-3 trong thời gian này là một cách tuyệt vời giúp bạn ổn định tâm lý, tăng cường sức khỏe tâm thần. Axit béo omega-3 không chỉ có nhiều trong một số loại cá như cá hồi, cá ngừ... mà nó còn có trong hạt lanh (bột hoặc dầu), hạt chia, và quả óc chó...
7 điều bạn nên làm vào mùa thu để sống khỏe mạnh hơn vào mùa đông - Ảnh 3.
Axit béo omega-3 có tác dụng chống viêm, bảo vệ da, và thậm chí giảm một số ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.
Nguồn: Health (dịch bởi afamily.vn)

Kem ốm

Kem ốm từ 16/8, 18/8 đi khám, uống thuốc đủ kiểu, 19/8 viêm tai giữa phải chích mủ, vệ sinh tai hàng ngày, cứ 2 ngày đi khám lại 1 lần...
Kem kết thuốc uống kháng sinh vào ngày 04/9. Sau đó đi khám lại. Bác sĩ nói, tai phải của Kem phải hàng năm nữa mới khỏi hẳn, trong thời gian này, nếu  lúc nào bị sổ mũi là phải đi khám ngay.
Mấy hôm nay, K cũng sổ mũi, mẹ xịt sterima thường xuyên nên hôm nay Kem đỡ rồi.
Đấy, không ốm thì thôi, ốm là ốm ra ốm luôn.

13.6.17

Chuyện ăn uống của Kem

Con gái 25 tháng rưỡi, 13.5 kg và cao 90cm. Một ngày, con uống khoảng 800-1000 ml sữa tươi, 2 bữa cháo, 1-2 hộp sữa chua, 1-2 quả quýt, ngoài ra ăn lặt vặt linh tinh hoàn toàn tự nguyện.
Khoảng 2 tuần gần đây, con gái đình chiến với cháo, nhất quyết nói không, dụ dỗ thì cũng ăn được 1 chút nhưng không vui vẻ gì, những thức ăn khác vẫn ăn bình thường.
Mẹ: miệt mài đi đọc đọc tìm tìm các thực đơn và món ăn mới cho con. Túm lại đến giờ này kết quả vẫn gần như con số 0.
Hai ngày cuối tuần, nói không với cháo. Mẹ con ta chơi và uống sữa là chính.
Hôm nay, bữa ăn của con gồm: cơm, cá basa kho, bắp cải luộc.
Cơm: không
Cá basa: 5 miếng
Bắp cải: không
Mẹ bảo: mẹ cho con cả đĩa (rau) này, con bốc đi.
Kết quả: ngồi bốc rau ăn miệt mài, miếng to oẹ ra lại ăn tiếp.
Kết luận: con thích
ăn theo kiểu của con, nhiệm vụ của mẹ là tìm ra "kiểu" đó là kiểu gì.
Khó hơn lên trời!!!

Hà Nội, 05.06.2017
P/S: Kem đi học từ ngày 05/6, tình hình tạm ổn. Tối về ăn cùng cả nhà và uống sữa chứ không ăn cháo bữa tối nữa.

12.6.17

Nhật An tham gia chương trình "Đi để biết - Học để sống"

Nhật An tham gia chương trình "Đi để biết - Học để sống" tại Học viện cảnh sát trong 9 ngày.

Chuyện con kể:
- Con rất thích chữa cháy bằng bình cứu hoả dạng bọt. Có 2 loại bình cứu hoả...
Lẽ ra mẹ nên ghi âm thì mới có thể viết đúng những gì con nói, toàn kiến thức mới mà con nói rành rọt, rõ ràng... Mỗi tội mẹ già rồi, vẫn tiếp thu được nhưng chưa thể viết lại đúng như những gì con nói.
- Con thích hoạt động bơi lội.
- Mẹ ơi con tự tắm, tự giặt quần áo.
- Bị mất điện 3 lần mẹ ạ, còn mất nước nữa. (Tất nhiên là nằm trong kế hoạch của khoá học cả chứ ko phải là mất điện thật)
- vậy các con làm thế nào?
- Bọn con dùng đèn pin.
- Con được đi trang trại, bơi thuyền, đang bơi thì có 1 con cá nhảy lên thuyền luôn. Lúc đầu con còn tưởng là cá ăn thịt (trí tưởng tượng phong phú do đọc Đô-rê-mon), may quá không phải.
- Khoá con chia làm 2 đội: đội sumo và đội ninja. Ninja làm sao? - Ninja Đoàn Kết - Tự tin - Chiến thắng. Đội Sumo học và biểu diễn võ thuật. Đội Ninja chia làm 2 đội nhỏ: đội 1 biểu diễn khiêu vũ, đội 2 biểu diễn dân vũ. Con biểu diễn dân vũ bài Bống bống bang bang mẹ nhé.
- Buổi sáng con phải dậy từ 5h30, có còi báo (mẹ mua ngay cái còi :) ). Mặc quần áo, ra sân tập trung, tập thể dục, sau đó đi bơi, trở về phòng, thay quần áo vào đi ăn sáng ở phòng ăn tập thể....
Con kể rất nhiều chuyện, có lẽ đến nhiều ngày sau vẫn còn kể nữa.
9 ngày con đi, được trải nghiệm rất nhiều. Không có bố mẹ, các con tự xử lý tình huống dưới sự hướng dẫn của các thày cô và các anh chị sinh viên tình nguyện.
Ngày 9/9/2017: mẹ nhận được thư của con. Lá thư tay đầu tiên con viết cho mẹ. Rất vui vì con đã hoà nhập được với các bạn, với môi trường mới và yêu thích các hoạt động tại trại hè "Đi để biết - Học để sống".
Con về, mạnh khoẻ, tự giác, cái bụng tròn ngót đi nhiều.
Một số hình ảnh và videoclip mẹ có được trong buổi đầu đưa con đến và trong buổi tổng kết: tại đây.


31.5.17

Anh nghỉ hè, Em đi nhà trẻ

Tý Dẹt kết thúc lớp 3 cũng là lúc Kem bắt đầu đi nhà trẻ. Mẹ có chút gì đó thấy hơi rưng rưng vào thời điểm này. Mẹ thấy vui vì Tý Dẹt hoàn thành năm học lớp 3 một cách vui vẻ. Bài học cuối cùng con nói với mẹ trước khi tạm biệt bạn bè, thày cô về nghỉ hè là "con sẽ cố gắng hơn". Mẹ thấy vui vì điều đó.
Em Kem đến làm quen với trường học bắt đầu từ khu vui chơi của trường. Tuy có ngơ ngác đôi chút nhưng Kem nhanh chóng hòa nhập với không gian mới, vì đối với Kem, chơi là việc đơn giản nhất. :)
Chúc con trai của mẹ có 1 kỳ nghỉ hè thật vui vẻ!
Chúc Kem đi học cũng vui không kém anh được nghỉ hè!


11.5.17

Tẩy giun - Kem tẩy giun lần đầu tiên, anh TD định kỳ

Update
01/10/2018
Cả nhà tẩy giun
Em Kem còn tự nhai thuốc.
1-3 ngày sau uống thuốc: Anh Tý Dẹt và em Kem đều có biểu hiện đi nặng nhiều từ 2-3 lần/ngày. Sau 3 ngày trở lại bình thường.

===============
Sau khi Kem sinh nhật 2 tuổi được 1 tuần thì mẹ tẩy giun cho Kem. Mẹ chưa gặp bé nào mà lại hào hứng uống thuốc tẩy giun như Kem. Ah có mẹ ngày xưa...
Ngày trước, thuốc tẩy giun là loại "kẹo quả núi màu hồng" đẹp ơi là đẹp, ăn ngọt, ngon... Nhưng hậu quả thì vô cùng kinh khủng. Giun chui ra khỏi bụng mà còn sống nguyên. Khủng khiếp hơn là con giun chỉ chui ra một nửa, còn lại phải kéo nó ra. Kinh hoàng!
Thuốc giun ngày nay được khuyến cáo là con giun bị tiêu hủy và ra theo phân. Nghe nói thế chứ không biết hiệu quả ra sao. Chỉ biết là định kỳ 6 tháng 1 lần mẹ cho anh Tý Dẹt uống thuốc tẩy giun. Bây giờ có thêm Kem nữa.
Lại nói chuyện ị của Kem, không hiểu cơ địa 2 đứa giống nhau thế nào mà vấn đề ị giống y như nhau: sợ ị, trốn ị, ị phân to, táo bón... Hic

19.4.17

Sinh nhật Kem 2 tuổi

Hôm nay là sinh nhật của Kem!
Bây giờ, Kem đã nói rất tốt rồi. Kem có thể ăn đủ mọi thứ, ăn thô tốt từ lúc 6 tháng.
Những món ăn mà Kem yêu thích:
- Trứng
- Cá chép luộc
- Ghẹ hấp
- Xôi
- Sữa chua: một ngày bạn ấy có thể ăn đến 2-3 hộp
- Bánh gạo mật ong
- Quýt
Kem đặc biệt rất thích ăn ngọt nhưng cũng ăn chua rất giỏi. Mùa cam Hòa Bình, mẹ mua về bóc vỏ bỏ hạt, Kem có thể ăn hết cả quả, mà ăn cả múi chứ không phải vắt ra đâu. Anh Tý Dẹt đến giờ vẫn chẳng ăn được như thế.
Những món đồ chơi mà Kem thích chơi:
- Bạn chó bông mà cô My mua tặng bên Pháp: cô My mua cho bạn ấy từ lúc bạn ấy 09 tháng tuổi, bạn ấy ngay lập tức phải lòng bạn cho Bông ngay, đi ngủ, uống sữa đều phải ôm bạn ấy. Mỗi lần uống sữa là bạn ấy lại bảo "Chó chó" (có nghĩa là lấy cho cho bạn ấy). Còn từ lúc khoảng 18 tháng, bạn ấy tự đi lấy chó rồi trèo lên giường.
- Bạn voi có nhạc: Bác Sơn mua cho lúc bạn ấy khoảng 4 tháng tuổi. Lúc đầu bạn ấy chưa thích bạn voi này đâu. Mãi đến khi ngoài 1 tuổi, cùng với bạn chó Bông thì bạn Voi này là 1 trong 2 món đồ chơi bạn ấy thích nhất.
- Bạn vịt vàng: bạn này là đồ chơi của anh Tý Dẹt từ lúc 2 tuổi, bây giờ Kem chơi.
- Bạn gấu hồng: bạn này là đồ chơi của cô My từ nhỏ, sau đó đến chị Sushi chơi, bây giờ là Kem.
- Đồ xếp hình
- Bạn ấy không thích nhưng con vật phát ra tiếng nhạc.
Bài hát mà Kem yêu thích:
- Chú ếch con: đây là bài hát thiếu nhi đầu tiên mà mẹ bật cho bạn ấy nghe. Giờ đây, bạn ấy chỉ có điệu nhảy của con ếch thôi.
- Chú voi con ở Bản Đôn: từ lúc nghe bài này mà bạn ấy yêu con voi bông hơn. Bạn ấy cũng có thể hát vài câu trong bài hát này.
- Five fingers
- Three litle kittens.
Sở thích khác:
- Đi bộ, chạy nhảy.
Phong cách:
- Mặc dù tính cách khá mạnh mẽ nhưng bạn ấy cũng rất thích các bộ quần áo màu sắc, có đính hoa, đính nơ, thích buộc tóc. Những ngày gần đây thì bạn ấy thích mặc quần áo có túi để đựng đồ.
- Bạn ấy đặc biệt thích đeo túi/ balo: khi bạn ấy chỉ khoảng 7-8 tháng, chị Gia Linh tặng cho bạn ấy 1 cái túi chuột mickey, đi đâu bạn ấy cũng đeo, lặp lại hàng năm trời. Bây giờ thì bạn ấy hay đeo chiếc ba lô hồng, cũng là chị Linh tặng.
- Quần áo mà mẹ mua cho bạn ấy chủ yếu là quần áo cotton thôi, dễ mặc, mát mẻ, đơn giản. Nếu có váy thì cũng là váy rất đơn giản bằng vải cotton thôi.
Những việc mà Kem có thể tự làm:
- Mặc quần áo: mẹ chỉ cần chui đầu hộ Kem, còn lại thì Kem có thể tự làm rồi. Với việc mặc quần thì Kem làm dễ dàng hơn.
- Đi giày dép: bảo cho đi chơi là chạy ra đi giày dép rất nhanh.
- Tự xúc ăn: nếu bạn ấy thích ăn, bạn ấy tự xúc rất gọn gàng.
- Tự cầm bình sữa uống: đây là khả năng cũng là ưu điểm nổi bật của bạn Kem. Từ khi 6 tháng, bạn ấy đã tự biết cầm bình sữa uống rồi.
Ưu điểm:
Kem rất nhanh mồm nhanh miệng. Bố mẹ có nhắc nhở gì là vâng ạ ngay lập tức (nhưng có làm theo hay không lại là chuyện khác). Suốt ngày nói cười toe toét nhưng cũng hay làm nũng bố mẹ.
Kem 2 tuổi rồi, sắp đi học rồi. Kem nhanh nhẹn, nói tốt, ăn ngủ cũng dễ. Mẹ chúc Kem sinh nhật vui vẻ! Mẹ yêu con nhiều!

4.1.17

Ký sự Tết Dương lịch ở quê ngoại

Ký sự Tết Dương lịch ở quê ngoại

Lâu lâu mới có một kỳ nghỉ dài ở quê ngoại một cách thảnh thơi. Mấy năm gần đây, bầu bí, sinh con, con nhỏ...
Lần này về, mình kịp để ý đến thiên nhiên, nhịp sống quê hương... những con đường mà hình như chưa bao giờ mình đi tới dù rằng ngày xưa cũng đi chơi khá nhiều.
Nhà cửa rộng rãi, vườn tược xanh tốt, hoa quả tươi ngon mùa này thức ấy. Ngay cả những bông hoa dại trong vườn cũng thấy đáng yêu vô cùng. Cuộc sống khá yên bình với nhịp sống vừa phải, đủ hối hả để thu hoạch mẻ trái đầu mùa, đủ rảnh rang để tận hưởng cuộc sống một cách tự nhiên. Điểm trừ duy nhất ở quê là khá bụi bặm. Nhà không kín (như bưng) như nhà ở thành phố nên chỗ nào cũng có bụi.
Bất chợt, mình có chút so sánh rằng lý do nên sống ở thành phố mà không phải ở quê là gì? Tất nhiên cũng có nhiều lý do lắm: rằng hệ thống phòng khám, bệnh viện, vui chơi giải trí thì hơn hẳn rồi.
Càng ngày, cuộc sống ở nông thôn và thành thị càng đc thu hẹp lại. Hệ thống giáo dục phổ thông tương đối cân bằng. Nhưng ở quê, không khí trong lành, các con có không gian chơi đùa nhiều hơn, không phải chen chúc trong những lớp học đông đúc... và đặc biệt là con người có cơ hội gần gũi với thiên nhiên hơn, nhờ đó mà tinh thần thư thái hơn.
Sau lần về này, mình thấy tinh thần đc giải phóng hơn rất nhiều. Không phải là so đo, mà là suy nghĩ tích cực hơn, rằng mình hãy tận hưởng thiên nhiên nhiều hơn, xóa bỏ sân si cho tâm hồn nhẹ nhõm.
Cuối cùng là; Sẽ tận dụng mọi cơ hội để đưa con gần với thiên nhiên hơn.