1.2.16

Nên làm gì để cả nhà đều muốn đón Tết

Tết - mọi người thích gì? Đã xa rồi cái thời mọi nhà chờ đến Tết để được ăn bánh Chưng, xôi chè, giò chả, thịt gà, canh bóng. Bây giờ, ăn uống trở nên đơn giản hơn. Vì vậy, sau những ngày làm việc vất vả, Tết là lúc người lớn muốn được nghỉ ngơi, đi đến những nơi yên tĩnh, thăm nom những người thân lâu ngày không có dịp gặp mặt (nhưng không phải để ăn uống mà để hàn huyên tâm sự). Trẻ con mong được nhận tiền mừng tuổi (điều này thời nào cũng thế, sẽ không bao giờ thay đổi). Vậy làm gì để Tết vẫn có "không khí Tết" mà không quá vất vả? 1. Giảm thời gian dọn nhà dọn cửa Nhà lúc nào cũng cần gọn gàng, sạch sẽ. Để đơn giản, bạn đừng có cái gì cũng khuân về nhà, chỉ mua sắm những đồ thiết yếu cho gia đình. - Nếu có gì không dùng đến (1 năm dùng 2-3 lần), hỏng không sửa được nữa thì nên thanh lý, vừa được một món tiền lại không lãng phí, vì để lâu thì đồ sẽ giảm giá trị sử dụng do hỏng hóc, hơn nữa, bạn không cần nhưng có rất nhiều người cần. - Thiết kế chỗ để đồ: nên đóng tủ, kệ để đồ, vừa gọn gàng, vừa sạch sẽ. Nếu đồ đạc có chỗ để, bạn sẽ không vứt lung tung nữa, sẽ không mất thời gian để dọn đống đồ này. Ví dụ: có giá để báo, đọc xong để vào đó; có tủ giày, đi đâu về xếp vào tủ, gọn gàng, sạch sẽ khỏi chê; đóng cái tủ kịch trần vào, quần áo trái mùa là cho vào túi ghi tên người dùng, ghi mùa... rồi cho lên tầng cao nhất, etc. - 1 tháng tổng vệ sinh nhà cửa 1 lần: việc này sẽ không vất vả lắm nếu bạn làm tốt 2 điều trên. - Hàng ngày: quét nhà, đồ đạc nào không để đúng vị trí thì đặt lại cho đúng. Lau nhà bao lâu/ lần tuỳ nhu cầu của bạn. Vậy là Tết chỉ dành thời gian trang trí nhà cửa. 2. Giảm thời gian nấu nướng Việc này làm sao mới khó đây. Theo quan điểm cá nhân tớ, cần xếp ưu tiên 3 món. Năm nay ưu tiên 3 món này thì các món khác hoặc là làm thật ít, hoặc là không làm, hoặc là đi mua. Ví dụ, - Món ưu tiên: + Bánh chưng + Canh măng + Gà - Các món được giảm: + Canh bóng: chỉ nấu đủ ăn 1 bữa + Xôi: nấu ít/không nấu hoặc đi đặt mua (cũng ít thôi vì có bánh chưng là đồ nếp rồi) + Giò: ít thôi (khoảng 6 lạng là đủ thắp hương rồi) + Nem: ít thôi (ví như nhà 6 người thì làm 12 cái vẫn đủ để thắp hương mà vẫn ăn hết) Đấy, kiểu thế, đỡ vất vả mà ăn uống lại ngon lành. 3. Giảm tích trữ đồ ăn: mùng 2-3, chợ đã bán đầy đủ hết mọi thứ rồi, trước thì đắt nhưng 2 năm trở lại đây tớ thấy chẳng đắt hơn là mấy, vì vậy, không nên tích trữ làm gì cho bừa bộn nhà cửa, nhiều khi trời nồm còn hỏng cả đồ. 4. Giảm thời gian ăn uống Để ăn uống ngon miêng, cả nhà chỉ chọn 1 ngày (ví dụ sáng mùng 1) là ăn đầy đủ các món "Tết" như: bánh chưng, canh măng, canh bóng, gà, giò, xôi, nem... Mỗi thứ chỉ nên đủ để chia mỗi người một miếng/cái. Ăn thế thôi mới không thấy ngán. Còn các bữa khác, ưu tiên món rau, 2 món mặn và 1 món canh. Ví dụ: + Cơm + Canh măng + Gà/giò: gà xé ngon hơn gà chặt đấy nhé, thử mà xem. + Súp lơ luộc + Xôi/bánh chưng (xôi thì thôi bánh chưng, bánh chưng rồi thì thôi xôi đi ạ) + Nem: mỗi người 1 cái Thế này cũng ăn mệt rồi, nhưng mà nhìn cũng đỡ ngán, với cả, tránh cảnh HÂM ĐI HÂM LẠI, ăn uống thế khổ lắm. Bưã sau, trừ cơm và rau, còn lại món gì bữa trước đã có rồi thì bữa ngay sau đó không có mặt nữa. Một ngày chỉ ăn tối đa 2 bữa cơm thôi, còn lại thì bún/mỳ/miến, mỗi người 1 bát, thêm chút rau sống/dưa góp, nhẹ bung mà không có cảm giác suốt ngày nấu nấu/rửa rửa. Để giải quyết nhanh gọn chỗ gà cúng, giò, nước luộc gà thì chiều mùng 1/sáng mùng 2, cả nhà làm bữa bún thang, vừa mát, vừa ngon, vừa nhẹ (nhưng cũng mất khá khá công nấu đấy). 1 cái tết chỉ hẹn 1 đối tượng để mời cơm (nếu có). Khách đến chỉ cần mời hoa quả, mứt, hạt hướng dương tí tách thôi. Tết nhất, giờ ai ai cũng sợ đến mà bị mời cơm, ngồi xuống đứng lên vẫn còn nguyên cái bát với thức ăn trong bát. 4. Trang trí nhà cửa: Tết nhất định phải có cây/cành đào mới có không khí tết rồi. Theo quan điểm của mình thì nhất định không chơi đào rừng, cứ với đà chặt thế này thì chẳng mấy chốc đào rừng chỉ còn trơ gốc. Quất: có cũng được, không có cũng không sao. Nếu có cành đào to rồi thì mua một cây quất nhỏ nhắn thôi, để cạnh bàn uống nước cho đẹp. Hoa cũng thì không tính, tuỳ thói quen. Hoa trang trí chỉ nên có 1-2 lọ. Ví dụ: 1 bình cúc vàng, 1 lọ hoa lay-ơn. Nói ra cũng nhiều việc đấy nhưng cũng đã bớt được nhiều rồi nhỉ. Chúc cả nhà mạnh khoẻ, đón tết trong vui vẻ!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.