22.9.10

Bác sĩ ơi

Nhân dịp trung thu, ngoài bữa tiệc tối thứ 7 vừa rồi, bố mẹ còn mua thêm đồ chơi cho Tý Dẹt. Trong đó có 1 chiếc súng bắn bong bóng. Tý Dẹt rất thích đồ chơi này (uhm cái gì mà hắn chẳng thích).




Đang chơi thì hắn đánh rơi. Hỏng! Tung tóe hết cả pin ra. Mẹ loay hoay sửa mà vẫn không chơi tiếp được mặc dù đã lắp pin vào (tự nhiên lại nghĩ đến không biết mình lắp pin sai không nhỉ? Chắc không ngớ ngẩn đến thế đâu). Mẹ nịnh nọt hắn mãi mà hắn vẫn cắp tay sau đít rồi đứng tít vào chỗ góc ban công. (Ơ tiếc quá! Lúc đấy mẹ đang tập trung nghĩ cách nào để giải thích được với hắn là đồ chơi đã hỏng để hắn vào nhà nên quên không chụp ảnh). Mẹ mà thò đầu ra một cái là hắn lại úp mặt vào tường. Khổ thế chứ!
Mẹ dụ hắn ra gọi điện cho bố nhờ bố sửa mà hắn cũng không chịu (cách này bình thương rất hiệu nghiệm). Cuối cùng, mẹ phải chìa quả xoài chín thơm lừng ra để dụ hắn. Úi rùi! Trúng kế rồi! Chuẩn bị cho ăn mẹ mới nghĩ ra là hắn chưa rửa tay. Chơi đồ chơi "Trung xẻng" xong mà ko rửa tay, ăn luôn thì chỉ có... Nhưng hắn không chịu. Mẹ phải bế hắn như em bé vào toilette để rửa tay. Vừa rửa mẹ vừa dụ khị (ôi lại dụ):
- Con chơi xong phải rửa tay! Nếu không, ăn vào bụng là đau bụng phải đi bác sĩ đấy. Bác sĩ bơm nước vào bụng rồi lại hút ra, bơm nước vào bụng rồi lại hút ra. Bơm nước giống như mẹ đang xả nước rửa tay cho con đây này.
- Bác sĩ ơi! Tý rửa tay này.
Haha..... mẹ tí té ngửa. Bây giờ mới nhớ ra là quên không cho hắn ăn xoài. ;">

Trung thu

Một bữa

Một bữa của em gồm có:
Cơm
Tôm băm nhỏ rim
Gan ướp nước mắm tỏi rán
Đậu xào
Canh rau ngót nấu râu tôm.

Với đồ ăn như thế này, đa số em dùng tay và ăn.
Ăn gan rán ngon lành.

Măm măm ngon!


15.9.10

Mệnh lệnh thức của một cái Đuôi


Ngoài việc biết dùng câu hỏi, nó còn biết dùng mệnh lệnh thức. Nó dùng bất kể với ai mà nó cảm thấy đang cản đường nó.

"Bà tránh ra đi!"

"Mẹ ngồi đi!"

"Bật điện lên đi!" (nó nói khi nó chưa muốn đi ngủ mà mẹ lại tắt đèn)

"Mẹ đọc truyện đi!" hay ngắn gọn hơn "mẹ đọc đi!"

"Bỏ ra!" (nó nói khi ai bế nó mà nó không thích)

"Mẹ bế Tý đi!", "Bố bế Tý đi!", "Bà bế Tý đi!"...

"Mẹ ăn đi"...

.... Tóm lại là nó thấy thích thú khi được dùng câu mệnh lệnh thức và câu hỏi.


----------------

Nó thích đi oto nhưng cũng thích mẹ đi cùng. Mẹ lại say nên chẳng bao giờ muốn bước vào oto nếu không có việc cần phải đi. Nó bảo mẹ:

- Mẹ vào đi!

Nó nói bằng cái giọng vô cùng đáng yêu nên mẹ chẳng thể từ chối. Rồi nó lại bảo:

- Tý lái chở mẹ đi nhé!

Ui, thế thì làm sao mẹ từ chối được.


-------------------

Nó càng ngày càng đúng là cái đuôi trung thành của mẹ. Nó "theo dõi" mẹ bất cứ lúc nào trừ lúc nó nhắm mắt. Nó chơi nhưng vẫn phải nhìn thấy mẹ quanh quẩn ở đấy nó mới yên tâm.

Mẹ xuống nhà nấu đồ ăn cho nó. Mẹ bảo:

- Con ở đây chơi! Mẹ xuống nhà nấu ăn cho con nhé.

- Bâng ạ.

Mẹ đi xuống được 1 bậc cầu thang, nó đã méo cái miệng ra kêu rồi. Mẹ hỏi:

- Mẹ nói con ở đây để xuống nhà nấu ăn cho con, con đã đồng ý rồi mà.

- Ạ.

- Thế con ở trên này nhé, không được đi theo mẹ.

-Ạ.

Mẹ quay đi được 1 bước, nó lại ngoạc cái mồm ra.

Mẹ bó tay toàn tập.


-------------

Tối qua, nó lại theo mẹ đi vào toilet và bị trơn, ngã oạch 1 cái đập đầu xuống sàn. Nó khóc nổi lang làng nước lên. Hic... mẹ vội bế nó.

- Lần sau con không được đi theo mẹ vào toilet nhé. Con đi vào, mẹ không biết, trơn ngã đập đầu đau. Con nhớ chưa???

- Ạ.

Lần sau, mẹ đi vào toilet... nó vẫn đi vào... híc... nó còn bảo:

- Đi theo mẹ.

Mẹ nhắc nó là con đi vào mẹ không biết nên nó thông báo cho mẹ biết ấy mà.

:( mẹ chịu thua nó rồi.


----------------

Mẹ nói với nó: - Con ở đây, không được đi theo mẹ, mẹ xuống lấy sữa chua cho con nhé.

Lần này thì nó nghe lời sau vài lần mẹ thỏa thuận. Nó đứng lấp ló ở bậc cầu thang, nói với theo:

- Mẹ đừng đi cầu thang, ngã đấy!

Hihi... biết sợ rồi.


---------------

Hôm qua, mẹ hỏi nó:

- Mẹ đi làm để làm gì?

Nó trả lời: - Mẹ đi làm để mua đậu cho Tý ăn.
Hihi... nó đúng là ăn tạp.

14.9.10

Hỏi

- Mẹ làm gì đấy? - Tý Dẹt hỏi.
- Mẹ nấu cháo cho con ăn.
- Mẹ nấu gì đấy?
- Mẹ luộc rau.
- Mẹ nấu cho Tý ăn... nhéeeeeeeee! - Nó lẩm bẩm.
----------------------------

- Mẹ làm gì đấy?
- Mẹ chạy máy giặt.
- Mẹ giặt quần Tý đi! - Nó đề nghị.
- Mẹ giặt đây.
"Máy giặt chạy!" - Nó lẩm bẩm.
"Nước chảy!" - Nó hớn hở khi thấy máy giặt đang xả nước.
--------------------------

Nó bây giờ biết đặt nhiều nhiều câu hỏi cho mẹ rồi.
- Mẹ rửa bình sữa à?
- Uh, mẹ rửa bình sữa để pha sữa cho Tý nhé!
- ạ.
________
- Mẹ nấu cơm à? - Nó hỏi khi thấy mẹ lúi húi trong bếp.
- Uh, mẹ nấu cơm cho Tý ăn nhé!
Háu ăn quá thể!

Sáng nay, nó lại hỏi: - Mẹ làm gì đấy?
- Mẹ giặt quần áo con ạ - Mẹ trả lời và tự nhiên thấy buồn cười chính mình. Không hiểu 1-2 năm nữa, mẹ có còn giữ nguyên cảm giác sung sướng khi nó biết đặt câu hỏi với mẹ không? Mẹ đã từng thấy những đứa trẻ học nói hỏi nhiều ơi là nhiều. Hỏi nhiều đến mức người lớn bực cả mình. Thế nên, mẹ sẽ update thường xuyên những câu hỏi của nó, để nhớ mà giữ nguyên cả cảm giác hạnh phúc khi "được hỏi". Mà ngẫm lại, mới thấy bọn trẻ hỏi còn ít hơn chúng ta hỏi chúng khi chúng chưa biết nói ấy chứ. Câu hỏi nhiều nhất là: "Cái gì đây?". Ôi! Lên dây cót mà nghe con hỏi đi. Chuyện nhỏ!

9.9.10

toe toét tòe toẹt

Khi ăn sữa chua, váng sữa,... mẹ cho em tự xúc. Mọi chuyện khá ổn. Nhưng nếu lúc nào vội vàng quá, em thành ra thế này.



1 cuộc điện thoại

8.9.10

Con nói... mẹ đoán

Trước khi đi ngủ, em hỏi mẹ:
... ở đâu? (mẹ không hiểu)
Mẹ hỏi lại, em vẫn nói thế. Lần thứ 3, mẹ nói: - Con nói lại đi, mẹ không hiểu!
Em vẫn nói thế.
Mẹ đoán: Dép của con ở đâu à?
- không phải
- Xe của con ở đâu à?
- em cười.
- Mẹ không hiểu, con nói lại đi.
- ...ở đâu? (cười)
- ô tô của con ở đâu à? (mặt mẹ ngơ ngác)
- không phải (em cười rất khoái trí)
mẹ đưa ra các thể loại mà em hay chơi: tàu hỏa, xe lắc, xe đạp, điện thoại, ti vi,.. cho đến quần áo, gối, chăn...
Tiện thể bà vào, mẹ bảo em nhắc lại xem bà có hiểu được không. Hi bà cũng chẳng hiểu gì cả.
Bố về, mẹ bảo em nói lại, bố vẫn không hiểu gì cả.
Chiều hôm sau, cô Quỳnh và cô Giang ghé chơi. Mẹ nhớ ra, định xem 2 cô có đoán được gì không. Nhưng mọi người vẫn bó tay toàn tập. Còn em thì được những trận cười ngặt nghẽo.
...
Ôi con tập nói.